Chào mọi người, đã lâu mình mới quay lại viết về Blockchain. Ở thời điểm năm 2023, mình nghĩ là không còn quá sớm và cũng chẳng quá muộn khi đã có quá nhiều người và quá nhiều khái niệm được viết về Blockchain. Tuy nhiên, mình sẽ cung cấp cho mọi người một số thông tin cơ bản về Blockchain, cũng như góc nhìn cá nhân của mình sau nhiều năm trải nghiệm trong lĩnh vực Blockchain.
Lần đầu tiên mình đến biết Blockchain thông qua khái niệm Cryptocurrency vào những năm còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 thông qua rapper Nah :):) Lúc đó mình chỉ nghĩ đồng coin đơn giản như mấy loại tiền ảo dùng trên Fshare hay các dịch vụ thanh toán khác như nạp game và cũng không quá quan tâm.
Bẵng đi một thời gian thì mình vào Bách Khoa và với một cơ duyên nào đó thì mình chính thức bước chân vào con đường Blockchain ngay từ cuối năm 2 đại học cho đến hiện tại.
Blockchain là gì?
Khi gõ dòng chữ “Blockchain là gì” lên Google thì mình chắc chắn sẽ có hàng triệu kết quả trả lời cho câu hỏi này dưới nhiều hình thức và góc nhìn khác nhau. Và theo góc nhìn technical của cá nhân mình, Blockchain chỉ đơn gian là “chuỗi khối”.
Blockchain là một concept mà trong đó dữ liệu được tổ chức thành một “chuỗi” nối liền nhiều “khối” lại với nhau một cách liên tục và có thứ tự thông qua mật mã học và công nghệ lưu trữ phân tán.
Hiện nay Blockchain không chỉ gói gọn trong Bitcoin hay Ethereum chain nữa mà bất kỳ một hình thức triển khai nào đáp ứng đủ tối thiểu 6 tính chất này đều có thể xem là một Blockchain:
- Decentralized: tính phân tán
- Consensus: tính đồng thuận
- Immutability: tính bất biến
- Transparency: tính minh bạch
- Security: tính bảo mật
- Anonymious: tính ẩn danh
Bản chất của Blockchain?
Theo mình, Blockchain có hai bản chất cùng tồn tại song song và tạo nên sự thành công và rộng rãi trên toàn thế giới như ngày hôm nay. Một là bản chất công nghệ phân tán - minh bạch- bất biến (Blockchain) và hai là sức mạnh đến từ khía cạnh kinh tế - xã hội (Cryptocurrency).
Nếu như công nghệ là thứ nền tảng vững chắc để Shatoshi Nakamoto xây dựng nên đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên Bitcoin thì giá trị của đồng BTC cũng như các yếu tố cộng đồng xã hội khác đã thực sự đẩy công nghệ Blockchain có được vị thế như hiện tại.
Khía cạnh công nghệ
Nghiêm túc nhìn nhận mà nói, kể từ White Paper của Bitcoin được Shatoshi công bố vào năm 2008 cho đến hiện tại dường như không có sự thay đổi đáng kể nào về mặt công nghệ.
Các concept hiện tại của Ethereum hay các nền tảng Blockchain mới nổi khác âu cũng là những cải tiến thuộc dạng từ 1 → N dựa trên concept mà Shatoshi đã đặt nền móng. Và các nền tảng công nghệ Blockchain hiện giờ dường như vẫn còn một chặng đường khá xa nữa để có thể mang tham vọng “quá độ” Web2 lên thay thế hoàn toàn bởi Web3 :) Vậy điều gì thực sự giữ Blockchain có được độ hot như hiện tại?
Khía cạnh kinh tế - xã hội
“Đồng tiền đi liền khúc ruột” - và thứ thực sự giữ vị thế Blockchain không đến từ công nghệ siêu việt mà chỉ đơn thuần là sức mạnh của đồng tiền.
Lĩnh vực công nghệ nói chung hay bất kỳ lĩnh vực nào trong thời đại kim tiền ngày nay cũng vậy, nước sẽ chảy chỗ trũng và dường như đồng tiền đang dồn về thị trường công nghệ Blockchain. Đó cũng là một phần mà mọi người nhìn nhận từ đầu thế kỉ 21 đến nay hầu như chưa có nhiều đột phá khoa học nào như thế kỉ trước nữa. Khi mà chi phí để nghiên cứu ra một máy tính tối tân, một loại thuốc mới, một vật liệu mới, một khám phá vũ trụ… sẽ tiêu tốn hàng tỉ đô la mà lợi nhuận thu về không thực sự mặn mà.
Quay lại cryptocurrency, tiền tệ thực sự đã tồn tại và duy trì suốt lịch sử văn minh của loài người. Từ thuở hồng hoang, loài người đã sử dụng đá cuội và lá cây để làm công cụ trao đổi hàng hoá. Sau đó, loài người tìm ra vàng, bạc và những tờ tiền xu, tiền giấy xuất hiện. Thời đại công nghệ thông tin bắt đầu bùng nổ thì tiền tệ biến thành những con số được mã hoá trên màn hình và kiểm soát bởi các cơ quan tập trung. Công nghệ 4.0 xuất hiện Blockchain biến những đồng tiền mã hoá đó trở nên an toàn, minh bạch và xuyên biên giới bằng công nghệ tự quản phi tập trung, và duy trì bởi sức mạnh của máy tính, của những dòng code được lập trình một cách tự động.
Nhìn chung thì dưới bất kỳ hình thức nào, một đồng tiền chỉ được xem có giá trị khi thoả mãn 4 yếu tố:
- Tính khan hiếm: vàng, tiền, bitcoin là những thứ khan hiếm không thể tuỳ tiện lấy hay đào ra.
- Tính bền vững: những loại tiền tệ làm từ vật liệu bền, không bị hao mòn, khó rách.
- Tính chấp thuận: được một cộng đồng, một quốc gia hay nhiều quốc gia chấp thuận thanh toán.
- Tính ổn định: tỉ giá của đồng tiền phải được giữ ổn định, không để chênh lệch giá quá lớn trong thời gian ngắn.
Hiện trạng của Blockchain?
Với những gì đã phân tích và quan sát hiện tại thì mình nhìn nhận Blockchain đang ở giai đoạn hỗn mang :) Khi mà hàng ngày có hàng triệu dự án xuất hiện và cũng hàng triệu dự án bay màu, hàng tỉ đô la đổ vào và cũng có hàng tỉ đô la bốc hơi, hàng triệu người trở nên giàu có và cũng có một số lượng người tương tự trở nên túng quẫn. Thời đại loạn lạc khi mà đầy rẫy những rủi ro nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách cho những nhân vật mới xuất hiện.
Về công nghệ, thì Blockchain đang ở ngưỡng cửa nửa đầu của sự phát triển cho một chặng đường dài hơi khi mà các công nghệ hiện tại dường như vẫn chưa thể nào đạt được như kỳ vọng. Nếu như AI đã phát triển từ những năm 90 của thế kỉ trước và dần trở nên có nhiều ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Thì hầu như quanh đi quẩn lại Blockchain chỉ có một ứng dụng khả dĩ duy nhất là Crypto, và hầu hết các vấn đề khác trong cuộc sống xã hội dường như chưa thực sự có thể áp dụng Blockchain một cách hiệu quả và rộng rãi.
Tương lai của Blockchain?
Blockchain sẽ không bao giờ chết?
Mình tin vào Blockchain, không phải vì công nghệ mà là vì theo mình Blockchain đã đạt được trạng thái cân bằng Nash trong “lý thuyết trò chơi”.
Hiện nay, theo mình chỉ có 2 lý do duy nhất có thể tiễn Blockchain trở nên tro bụi:
- Một là công nghệ: khi công nghệ Blockchain bị phá vỡ, nền mống vững chắc không còn và Cryptocurrency không còn giữ được 2 tính chất mình đã đề cập tính khan hiếm và tính bền vững.
- Hai là kinh tế - xã hội: khi tất cả toàn bộ nhân loại 100% 8 tỉ người quay lưng với Blockchain - Cryptocurrency và xoá bỏ 2 tính chất còn lại là tính chấp thuận và tính ổn định.
Quay lại vấn đề, công nghệ Blockchain đã ra đời được 15 năm nay và công nghệ không những đứng vững mà còn trở nên phát triển hơn nữa thì dường như yếu tố đầu tiên trở nên cực kỳ bất khả thi.
Lý do tiếp theo, Blockchain thực sự gắn liền với đồng tiền nên dường như việc 100% nhân loại quay lưng lại với đồng tiền thì hoàn toàn không bao giờ xảy ra. Hãy thử hình dung, các chính phủ đang ra sức quản lý tiền mã hoá hoặc thậm chí ra lệnh cấm, thì đâu đó trên thế giới ở một vài quốc gia hoặc khu vực, việc chấp thuận Blockchain vẫn sẽ xảy ra và giá trị của nó sẽ không bao giờ biến mất. Việc duy ý chí khiến 100% loài người trên Trái Đất này từ bỏ một kênh hái ra tiền thì dường như là điều không tưởng trong thực tế. Có chăng cũng chỉ có thể ảnh hưởng đến giá của BTC tại một vài thời điểm và một khi loài người còn tồn tại, nhân loại còn sản sinh ra thêm những con người mới thì giá trị của BTC vẫn sẽ có chỗ đứng và không bao giờ biến mất. Đó là trạng thái cân bằng Nash mà mọi người có thể tìm đọc thêm trong khái niệm “lý thuyết trò chơi”, một lý thuyết ảnh hưởng đến cả sâu bên trong công nghệ luật đồng thuận lẫn yếu tố xã hội xoay quanh Blockchain.
Tương lai Blockchain sẽ là gì?
Mình không biết tương lai Blockchain sẽ phát triển tới đâu và đạt được những gì. Nhưng mà theo tầm nhìn và suy nghĩ của mình thì con đường tiếp theo Blockchain sẽ có nhiều cơ hội và thách thức thú vị để chúng ta có thể hi vọng và trông chờ.
Cryptocurrency
Hiện nay, các chính phủ trên khắp thế giới đang ra sức áp dụng các điều luật để có thể kiểm soát phần nào miếng bánh béo bở và thị trường phi tập trung này dần trở nên tập trung hơn. Các ngân hàng trung ương cũng ra sức xây dựng các đồng CBDC của riêng quốc gia, bởi vì sức mạnh tài chính kinh tế luôn là một trong ba cây kiếm vững mạnh mà mọi chính phủ và quốc gia đều phải lưu tâm ngoài ngoại giao và quốc phòng.
Mình nghĩ là đâu đó vài chục năm tới, Bitcoin rồi sẽ giống như Vàng hay USD dần được quản lý “tập trung” vào tay các thế lực lớn trên thế giới để kiểm soát như một kho lưu trữ an ninh tài chính. Và một tỉ lệ nhỏ hơn sẽ được phép lưu hành “phi tập trung” bên ngoài cộng đồng, điều này thực sự mang lại tính ổn định về giá cả cũng như hướng đến sự cân bằng cho cộng đồng. Sẽ không còn một thế lực cá voi tư nhân nào có thể dễ dàng thao túng giá của đồng tiền mã hoá nữa, lúc này hầu như 4 tính chất của một loại tiền tệ dần trở nên hình thành một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.
Blockchain
Về mặt công nghệ cũng vậy, theo mình tương lai công nghệ Blockchain cũng sẽ hướng tới sự cân bằng, trở thành một hệ thống “phi tập trung” một cách “tập trung” hơn. Từ đó, mới có thể dễ dàng mang lại sự kiểm soát và cải tiến nhằm phục vụ cho các nhu cầu khác nhau trong xã hội ngoài lĩnh vực tài chính. Và con đường tiếp theo mình nghĩ Blockchain đi sẽ không thể hoàn toàn thay thế Web2.0 lên Web3.0, mà là Web2.5 một sự kết hợp và cải tiến chứ không phải sự thay thế nhằm mang đến một sự cân bằng và dễ dàng tiếp cận, cũng như mở rộng hơn cho hàng triệu hàng tỉ users trên hệ sinh thái Internet ở khắp các lĩnh vực như cách mà công nghệ AI đã và đang làm rất tốt.
Sau tất cả
Sau tất cả mình là Anhkolamgidauanhthe, các bài viết trên trang mình chỉ nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góc nhìn và các tâm sự cá nhân. Mọi người nếu có góc nhìn khác hay ho và thú vị hơn đừng quên để lại comment để trao đổi và thảo luận cùng mình nhé.